Đèn học của Mạc Đĩnh Chi

Đèn đom đóm xuất phát từ đâu?

Trong dân gian tương truyền một câu chuyện hiếu học của lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Ai chưa biết Mạc Đĩnh Chi có thể search Google, mình không nói thêm.

Truyền rằng, Mạc Trạng nguyên thuở bé nhà rất nghèo nhưng hiếu học. Hàng đêm không có tiền mua dầu thắp sáng để học liền bắt đom đóm rồi bỏ vào vỏ trứng lấy ánh sáng đọc sách. Không biết tiếng Việt có phải từ tích này mà dân gian nói về “đèn” cứ thêm từ “đóm”, gọi là “đèn đóm”, đóm nay chắc trong từ “đom đóm” chứ không phải trong từ “điếu đóm”. Hoặc đèn đóm nó gắn liền với loại đèn cầy dùng cho việc hút trích của các cụ.

Lan man quá, quay về chuyện cụ Mạc Chi, vì tinh thần hiếu học và tư chất thông minh mà sau này Mạc Đĩnh Chi đỗ Trạng nguyên thời Trần, đi sứ sang nhà Nguyên (Trung Quốc) lại được phong làm trạng nguyên phát nữa. Ấy nên mới gọi là lưỡng quốc Trạng Nguyên.

Tuy nhiên cũng vì việc học trong ánh đèn đom đóm mà sau này cụ Mạc có mắc một sai lầm, Đại Việt sử ký toàn thư có ghi như sau:

“Đĩnh Chi thấp bé nên người Nguyên khinh ông. Một hôm, viên tể tướng mời ông vào phủ, cho cùng ngồi. Lúc ấy, đang hồi tháng 5 tháng 6. Trong phủ có treo bức trướng mỏng, trên thêu hình con chim sẻ đậu cành trúc. Đĩnh Chi vờ làm như mình nhầm tưởng là chim sẻ thật rồi chạy đến bắt. Người Nguyên thấy vậy cười ồ, cho là người phương xa quê mùa. Bất thình lình, Mạc Đĩnh Chi kéo bức trướng xuống xé đi. Mọi người lấy làm lạ, hỏi tại sao, Đĩnh Chi đáp rằng: Tôi nghe người xưa vẽ cành mai và chim sẻ chứ chưa hề thấy vẽ chim sẻ đậu cành trúc bao giờ. Nay bức trướng của tể tướng lại có hình chim sẻ đậu cành trúc. Trúc là biểu tượng của bậc quân tử, chim sẻ là biểu tượng của kẻ tiểu nhân, Tiểu tướng làm như vậy là để tiểu nhân trên quân tử, sợ rằng đạo đạo tiểu nhân sẽ mạnh, đạo của quân tử sẽ suy, tôi vì thánh triều mà trừ giúp bọn tiểu nhân vậy. Mọi người nghe vậy đều phục tài ông”.

Đoạn này nghe rất buồn cười, nhưng mình đoán là cụ Mạc mắt rất kém. Thời bây giờ bảo vồ nhầm cái ảnh thì hợp lý vì giờ ảnh ọt trông còn thật hơn đời, chứ những năm thế kỷ 13, có con chim vẽ mà thật thì nghe vô lý lắm lắm.

Xét trên phương diện khoa học, mắt cụ Mạc kém là có lý do. Nó nằm ở cái đèn đom đóm DIY (Do it yourself) mà cụ tự chế. Cụ thể có 2 yếu tố:

  • Thứ nhất, độ sáng của 1 con đom đóm khoảng 0.0314 lumens. Với đèn sợi đốt như thế kỷ 19 mà Ê đi sơn dùng thì mỗi W đem lại độ sáng 15lm. Như vậy để có độ sáng như bóng đèn sợi đốt 60W sẽ cần là (60 x 15 )/ 0.0314 = 28,662 con đom đóm. Những năm tăm tối của thế kỷ 13, cứ cho đom đóm bu đầy trong bụi, cụ vợt phát được trăm con và có thể kiếm được cả nghìn con đom đóm nhét vô vỏ trứng… khủng long thì mọi người cũng có thể hình dung là nó cũng chỉ bằng một cái đèn sợi đốt với công suất 2W. Rất lờ mờ kiểu… đèn mờ.
  • Thứ hai, ai cũng thấy về mặt sinh học thì con đom đóm lập lòe. Về việc lập lòe, do ánh sáng không đồng nhất thành một dải mà thay đổi theo tần suất lập lòe của đom đóm (tương tự như đèn huỳnh quang). Do đó, cái đèn học của cụ sẽ có tần suất nhấp nháy khá lớn.

Với một cây đèn học vừa nhấp nháy, lại có ánh sáng yếu thì việc cụ Mạc mắt không tinh rõ ràng có thủ phạm. Và không tinh ở mức độ nào thì chỉ riêng việc cụ bắt nhầm con chim vẽ treo trên tường cũng có thể biết là cụ cận ở mức độ nào rồi. Thế nên chọn một cây đèn tốt khó lắm, nhưng phải thông cảm vì ở thời cụ thì cũng không có lựa chọn nào khác.

Sau 7 thế kỷ, có cô gái Hà Lan muốn bán sữa của mình mới dựa trên cái tích này đặt tên một chương trình gọi là “Đèn đom đóm” để dùng tiền bán sữa tặng cho các bạn trẻ nghèo hiếu học. Chương trình mang tính nhân văn để giúp đỡ trẻ em nghèo vượt khó. Tất nhiên, cô thường tặng sữa và sách vở chứ không có tặng đèn chứ không các em sẽ lại hỏng mắt mà vồ nhầm hộp sữa thay vì cô gái Hà Lan.

 

P/S: Câu chuyện trên là một câu chuyện hoàn toàn hư cấu ở thế kỷ 21, còn chuyện của cụ Mạc Đĩnh Chi có phải hư cấu hay không thì người viết không bàn đến.

 

Quý bạn và các vị muốn đọc thêm về Mạc Đĩnh Chi có thể tham khảo sách:

Click to rate this post!
[Total: 1 Average: 1]

2 thoughts on “Đèn học của Mạc Đĩnh Chi

  1. Khách says:

    Ánh sáng chỉ cần 1w hoặc ít hơn cũng có thể đọc sách được nếu ánh sáng được tụ lại. Còn vấn đề nhấp nháy thì càng nhiều con đom đóm thì càng ít nhấp nháy vì tần số cao. Trong đèn chiếu sáng như huỳnh quang thì do tần số bằng 50hz nên ta không thấy nhấp nháy nha! Bài viết này không chính xác, không khoa học!

    • Dương Hạnh says:

      Dạ, bài viết của shop mang tính vui vẻ giải trí chứ cũng không phải bài nghiên cứu dựa trên cơ sở khoa học ạ. Độc giả đọc để thư giãn là chính, vui lòng đừng đặt nặng vấn đề khoa học ạ 🙂

Comments are closed.

zalo-icon
facebook-icon
phone-icon